Thứ Năm, 26 tháng 2, 2009

Hai nữ sinh và ý tưởng chỉnh trang hè phố

Từ thực tế trục đường Nguyễn Trãi có vai trò là đầu mối giao thông quan trọng nhưng đang trong tình trạng lộn xộn về tổ chức không gian và cảnh quan, hai nữ sinh viên đã có ý tưởng chỉnh trang lại tuyến đường cửa ngõ của Thủ đô.

Mơ ước rồi mai này người tham gia giao thông sẽ có ý thức cao hơn; nhiều tuyến phố tương lai sẽ khác xa bây giờ... (Ảnh minh họa - báo Bạn đường)

Hằng ngày, đôi bạn thân Ngô Thị Huyền My, Nguyễn Thị Mai đều phải đi qua đường Nguyễn Trãi để đến Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, nơi họ đang theo học. Nhận thấy tại đây hầu hết hàng quán bày bán lộn xộn trên vỉa hè, những cột đèn, biển báo, cây xanh, bồn hoa không được chăm sóc và bị tận dụng triệt để cho mục đích kinh doanh… với kiến thức của những nhà quy hoạch đô thị, My và Mai đã táo bạo lập đề tài nghiên cứu "Quản lý việc sử dụng vỉa hè trên trục đường Nguyễn Trãi với sự tham gia của cộng đồng".

Mong muốn ban đầu của họ là đề xuất được những giải pháp nhằm quản lý, sử dụng vỉa hè hợp lý nhất, bảo đảm trật tự và mỹ quan đô thị.

Nguyễn Thị Mai nhận xét: “Vỉa hè nơi đây đã mất đi công năng vốn có của nó là dành cho người đi bộ, cộng với sự xuống cấp của hạ tầng, sự lơi lỏng trong quản lý và sự thiếu ý thức của một bộ phận dân cư nên nơi đây khá mất an toàn, nhất là vào giờ cao điểm. Việc vận động cộng đồng cùng tham gia quản lý vỉa hè chưa được quan tâm đúng mức nên hiệu quả quản lý đô thị không cao và Nhà nước hằng năm phải dành nhiều ngân sách để thực hiện công việc này”.

Bằng những kinh nghiệm được học trong nhà trường, hai sinh viên đã đưa ra các giải pháp chỉnh trang diện mạo vỉa hè đường Nguyễn Trãi khá đồng bộ. Đó là phải có sự thống nhất trong quản lý giữa ngành điện, nước, thông tin liên lạc với Sở Giao thông Vận tải về thời điểm, địa điểm và vị trí lắp đặt đường dây. Đặc biệt chú trọng đến giải pháp về tổ chức cây xanh hai bên hè phố. Theo đó, những đoạn vỉa hè nhỏ hơn 3,5m nên bố trí một hàng cây xanh. Vỉa hè lớn hơn 7,5m bố trí đường dạo kết hợp với tiểu cảnh, còn lại có thể kết hợp trồng cây và để xe.

Ngoài ra, công tác tổ chức không gian vỉa hè cũng được chú ý thông qua việc bố trí các máy bán nước tự động và thùng rác nhiều ngăn tại các điểm xe buýt, trước các cổng trường ĐH Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Kiến trúc, Bách hóa Thanh Xuân; xây dựng một số khu vệ sinh công cộng tại những nơi đông người, đồng thời tiến hành giao hoặc tổ chức đấu thầu quản lý các khu này cho tư nhân. Việc bố trí hệ thống chiếu sáng cho người đi bộ cũng được xem xét sao cho hợp lý.

Để có tư liệu cho công trình nghiên cứu, hai kiến trúc sư tương lai đã mất nhiều thời gian để đi thực địa cũng như tham khảo nhiều tài liệu về tổ chức không gian hè phố ở Mỹ, Xin-ga-po, lưu ý đến bài học huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác quản lý hè phố tại Pháp, Nhật và Trung Quốc.

Với đề tài "Quản lý việc sử dụng vỉa hè trên trục đường Nguyễn Trãi với sự tham gia của cộng đồng", Ngô Thị Huyền My - Nguyễn Thị Mai đã xuất sắc đoạt một trong 9 giải nhất của Giải thưởng sáng tạo kĩ thuật Việt Nam (VIFOTEC) năm 2008 dành cho sinh viên. Không dừng lại ở thành tích này, dù bận rộn với việc thi cử của sinh viên năm thứ 4 nhưng hai nữ kiến trúc sư tương lai tiếp tục thực hiện công trình nghiên cứu "Quản lý hệ thống cây xanh tại các khu đô thị ở Việt Nam, thí điểm ở Khu đô thị Yên Hòa (Hà Nội)".

Về công trình khoa học đoạt giải nhất, mong ước của Mai - My là sẽ được các cơ quan quản lý tiếp thu, chọn lọc để có thể chỉnh trang lại tuyến phố Nguyễn Trãi trước thềm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Được biết, đề tài khoa học này sẽ được Trường ĐH Kiến trúc chuyển đến UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) để tham khảo.

Trục đường Nguyễn Trãi dài 4km, đoạn từ Ngã Tư Sở đến địa phận TP Hà Đông (km9 + 200), trực thuộc địa bàn của bốn phường: Thượng Đình, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân Nam, Thanh Xuân Bắc (Hà Nội). Đây là trục đường duy nhất nối Hà Đông và một số huyện lân cận với nội đô Hà Nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét