Thứ Tư, 4 tháng 3, 2009

'Trăng nơi đáy giếng' khó kéo khán giả đến rạp

Chỉ với một bộ phim, nữ diễn viên Hồng Ánh đã cùng lúc giành hai giải "Nữ diễn viên chính xuất sắc" tại LHP Dubai (Ấn Độ) và trong lễ trao giải Cánh diều vàng vừa diễn ra vào tối 1/3 vừa qua. Trong buổi chiếu ra mắt "Trăng nơi đáy giếng" đầu tiên ở phía nam, đạo diễn Vinh Sơn đã có cuộc trò chuyện về tác phẩm đoạt giải Cánh diều Bạc.

- Hình ảnh nhân vật chính cô giáo Hạnh đóng, mở ngôi nhà nhiều cửa cứ trở đi trở lại trong phim "Trăng nơi đáy giếng" của anh mang ý nghĩa gì?

- Nhà nhiều cửa là kiểu nhà cũ đặc trưng ở Huế. Đúng ra khi thực hiện phim này tôi muốn kiếm căn nhà vườn như thế nhưng tìm không ra. Còn một số căn nhà rường ít ỏi sót lại thì lại là trong khu du lịch không thể sử dụng. Nên tôi đã phải cho dựng toàn bộ căn nhà, khu vườn cho gia đình Hạnh. Tôi muốn ngôi nhà cũng là một nhân vật trong bộ phim. Thông qua hành động đóng, mở cửa lặp đi lặp lại mà nhiều người cảm thấy "rất sốt ruột" khi xem thì tâm trạng của Hạnh cũng bộc lộ, khi hạnh phúc, khi cô đơn, khi giận dữ...

Một cảnh trong phim "Trăng nơi đáy giếng".

- Tại sao anh lại xây dựng hình tượng hai nhân vật ông chồng tên Phương và cô vợ tên Hạnh một cách bất bình đẳng như vậy?

- Theo tôi quan niệm bình đẳng trong ứng xử giữa hai giới như phương Tây là đúng nhưng nếu xét về văn hóa Việt Nam thì chưa thích hợp. Có những người hạnh phúc khi được tự nguyện phục vụ người khác, trong phim này Hạnh luôn cảm thấy hạnh phúc khi được phục vụ chồng. Thực ra với tư cách người chồng mà được phục vụ như vậy thì cũng mệt lắm vì phải sống thế nào để xứng đáng với sự phục vụ đó. Tôi thấy mối liên hệ như vậy rất tốt vì qua đó nó thể hiện tình yêu thương, sự gắn bó giữa hai vợ chồng chứ không phải là bất bình đẳng. Trong xã hội đô thị hiện đại ngày nay thì đó là một lối thoát cho cuộc sống gia đình, một giải pháp hạnh phúc cho các cặp vợ chồng đấy chứ.

- Thời điểm diễn ra câu chuyện trong "Trăng nơi đáy giếng" là thời đại ngày nay hay nhiều năm về trước?

- Đây là bộ phim nói về thời điểm hiện nay. Mục đích của tôi là muốn mô tả dấu vết còn lại của những năm 1960 ngay trong thời hiện đại này, thời đại mà không có tivi, tủ lạnh, bếp ga, bếp điện... đúng kiểu gia đình truyền thống Huế ngày xưa nhưng được đặt trong hoàn cảnh hiện tại. Sự khác biệt này khiến cho tôi và nhiều người cảm thấy thích thú lối sống của gia đình nhân vật Hạnh. Thực tế thì ở Huế cũng còn nhiều gia đình giữ nếp sống, tính cách như vậy, nghĩa là vẫn dùng bếp củi, ở nhà rường chứ không chịu mua bếp ga, bếp điện.

- Lấy bối cảnh các nhân vật đều là người Huế, vậy khi chiếu ra mắt rộng rãi khán giả Việt Nam, anh có định sẽ lồng tiếng cho nhân vật Hạnh do diễn viên Hồng Ánh thủ vai để tạo sự thống nhất cho phim?

- Chúng tôi quay và thu tiếng trực tiếp của các diễn viên nên tiếng của nhân vật Hạnh cũng là tiếng của Hồng Ánh luôn chứ không lồng tiếng. Trước khi thực hiện phim tôi cũng bỏ công tìm người thích hợp đóng vai Hạnh nhưng vì nhiều lý do mà tìm mãi không được. Khi tìm được rồi thì diễn viên đó sau khi đọc kịch bản lại từ chối nhận vai vì không chịu... làm vợ người khác. Tôi biết khi bộ phim này công chiếu người Huế sẽ cảm thấy buồn và chính tôi cũng thấy tổn thương về tình cảm nếu quyết định giữ nguyên tiếng của nhân vật Hạnh. Tuy nhiên người Huế ngày nay đã có ít nhiều khác xưa. Trong công cuộc hội nhập giao lưu, nhiều người Huế chuyển sang nói giọng miền Nam, giọng miền Bắc... Cách Huế khoảng 30km là huyện Mỹ Xuyên, người dân ở đây cũng nói tiếng giống giọng Hạnh. Tuy khán giả Việt Nam, người Huế và cả tôi cũng còn băn khoăn về vấn đề này nhưng người nước ngoài khi nghe Hạnh nói lại tỏ ý rất thích vì nghe giọng Hạnh nhẹ, thanh thoát hơn là giọng Huế thật (cười).

Diễn viên Hồng Ánh xuất sắc giành giải Cánh diều vàng 2008 nhờ vai diễn Hạnh trong "Trăng nơi đáy giếng". Ảnh: Hoàng Hà.

- Hạnh là một cô gái khá toàn vẹn nhưng lại có kết cục bi thảm. Thường thì điều này sẽ khiến nhiều khán giả có phản ứng không đồng tình. Anh nghĩ sao?

- Tôi cho rằng đây là một kết cục đẹp với Hạnh vì cô đã được sống trong thiên đường của chính mình. Hành động khép cửa của Hạnh chính là việc quay lưng khép cửa với cả thế giới bên ngoài. Đây cũng là lời báo động cho tình trạng bế tắc, tuyệt vọng của con người trong xã hội hiện đại. Con người ngày nay nhiều lúc bị đẩy đưa vào hoàn cảnh bi đát không thể cưỡng lại được nên có xu hướng tự thu hẹp mình lại. Tôi không cổ vũ cho lối sống này mà chỉ muốn báo động, cảnh tỉnh mọi người cần tỉnh táo thoát ra khỏi tình trạng căng thẳng đến cô độc trong xã hội hiện đại.

- Nhiều đạo diễn khi làm phim thường có xu hướng nhắm đến các liên hoan phim ở nước ngoài hơn là hướng đến phục vụ khán giả trong nước, còn anh thì sao?

- Dĩ nhiên khi làm phim thì ai cũng mong muốn phim của mình có càng nhiều người xem càng tốt. Tôi cũng vậy. Tôi mong phim này sẽ được khán giả trong nước ủng hộ. Khi xây dựng phim tôi cũng cố gắng để câu chuyện được kể theo hướng tốt nhất, thu hút khán giả nhất nhưng do thể loại phim này khá kén khán giả nên nhiều người nghĩ rằng đạo diễn chỉ hướng đến liên hoan phim. Tôi từng tham dự nhiều liên hoan phim nhưng thấy rất ít lần phim Việt được đưa đi tham dự. Nhiều khán giả nước ngoài còn tưởng Việt Nam không có điện ảnh. Phim Việt gần như vô danh trên bản đồ điện ảnh châu Á. Khi tôi đọc cuốn catalogue ở các liên hoan phim thì hầu như tên nước nào cũng được đề cập chỉ riêng Việt Nam và Triều Tiên là không có. Tôi nghĩ việc đưa phim Việt đến các liên hoan phim nước ngoài thì dù không kiếm được nhiều tiền nhưng tính ra vẫn lãi vì niềm hạnh phúc khi có khán giả nước ngoài biết đến điện ảnh Việt Nam thì không gì sánh nổi. Tôi cũng mong khán giả xếp hàng đến rạp xem phim mình làm nên nếu phim có hiệu quả tốt ở nước ngoài thì đây cũng là một cách khiến khán giả trong nước biết đến và cảm thấy xứng đáng khi bỏ thời gian đi xem.

- Các nhà làm phim đều ít nhiều nhắm đến mục đích thu được doanh thu từ sản phẩm mình làm ra, tại sao anh không làm phim theo hướng này?

- Tôi phải công nhận là cách kể trong Trăng nơi đáy giếng nếu so với các phim chiếu Tết ăn khách thì rất nhạt vì không có kịch tính gì cả nên để kéo người xem đến rạp là hơi khó. Nhưng điều mình muốn làm thì nhiều khi lại mâu thuẫn với thị hiếu khán giả nên đành phải chấp nhận. Ngay cả Hollywood cũng có khoảng cách như thế này giữa dòng phim thương mại và nghệ thuật. Tôi muốn khán giả xem phim mình không chỉ khám phá trên màn ảnh nhỏ mà còn phải ngầm hiểu những chuyện thấp thoáng phía sau những hành động trên màn ảnh.

- Với những bộ phim nghệ thuật không hy vọng về doanh thu như "Trăng nơi đáy giếng" thì việc tìm nguồn tài trợ như thế nào?

- Tuy không có doanh thu nhưng thực ra mà nói làm phim nghệ thuật và phim thương mại chưa chắc cái nào đã rủi ro hơn cái nào. Chính ra những phim chiếu Tết dễ thành công nhưng cũng rất dễ thất bại. Còn dòng phim nghệ thuật thì có nguồn tài trợ riêng dành cho loại phim này. Tôi thích làm phim dạng này vì nó phù hợp với những tiêu chí tôi đề ra và cũng nằm trong điều kiện xét cấp tài trợ của các tổ chức nước ngoài. Việc tìm kiếm tài trợ này cũng khó vì nguồn quỹ tài trợ cho thể loại phim này còn được chia cho các nước khác nữa. Cũng có một số người gợi ý tôi mời ca sĩ hay chân dài đóng phim mình để thu hút khán giả nhưng tôi không làm. Phim tôi làm kể một câu chuyện đơn giản, bối cảnh đơn giản nên chi phí làm phim cũng tương đối rẻ chứ không cao như các phim thương mại. Cho nên nói về doanh thu và thành công thì cũng chưa chắc phim nào hơn phim nào.

Nhân buổi chiếu "Trăng nơi đáy giếng" đầu tiên ở phía Nam, đạo diễn Vinh Sơn có cuộc trò chuyện, giao lưu nói về tác phẩm điện ảnh đoạt giải Cánh diều Bạc 2008. Ảnh: Thoại Hà.

- Quỹ tài trợ cho phim này sẽ được hưởng quyền lợi gì khi bộ phim được công chiếu?

- Nhà tài trợ không có đòi hỏi gì ngoài hàng chữ ghi tên nhà tài trợ trên phim. Tôi nghĩ việc làm này thực ra có lợi cho cả đôi bên, cho bộ phim và cả nhà tài trợ. Phim nào có hàng chữ đó thì coi như được đóng dấu bảo đảm chất lượng và quỹ tài trợ cũng được tiếng là hoạt động mạnh trong việc phát triển nghệ thuật ở các nước.

- Khi nào thì "Trăng nơi đáy giếng" sẽ chính thức công chiếu ra mắt khán giả trong nước?

- Trong vài ngày tới, tôi sẽ đem phim này ra chiếu ở Huế xem như một cách cảm ơn người dân ở đây đã giúp đỡ tôi thực hiện bộ phim. Còn về lịch chiếu rạp thì điều này phải tùy thuộc vào nhà sản xuất và còn phải tùy theo tình hình sắp xếp thời gian chiếu ở các rạp nữa.

Trăng nơi đáy giếng là một trong những phim nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim Pháp ngữ tại Phòng chiếu phim Idecaf (TP HCM). Phim được chiếu vào 19h30 hai ngày 17 và 18/3. Khán giả có nhu cầu xem phim có thể liên hệ Phòng chiếu phim Idecaf 28 Lê Thánh Tôn, quận 1, TP HCM để nhận vé xem phim miễn phí. Ngoài Trăng nơi đáy giếng, trong khuôn khổ Liên hoan phim Pháp ngữ từ ngày 16/3 đến 11/4 còn có một số phim truyện của Liban, Quebec, Bỉ, Rumani...

Hương Giang ghi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét