Từ thói quen “săm soi” bản thân
Tôi đã gặp không ít cô gái như vậy. Có thể giải thích đơn giản, vì thói quen yêu chiều bản thân quá mức, nên nhan sắc chỉ cần bị “phôi pha” một chút như mặt mọc lên vài cái mụn nho nhỏ, da bị sạm nắng một tẹo, hoặc tỉa lông mày bị lệch xíu xiu thôi… là họ sẵn sàng phát điên, hành hạ chính bản thân và gây khó chịu với những người xung quanh. Ở một vài trường hợp còn được hiểu như một dạng hoang tưởng hay rối loạn tư duy. Tất cả đều xuất phát từ thói quen săm soi bản thân quá kỹ lưỡng mặc dù họ không hề xấu xí đến mức “ma chê quỷ hờn”.
Nguyễn Lan Phương (Trường QT, HN), bề ngoài khá xinh, da trắng tuy hơi xanh xao nhưng các nét của Phương đều mang dáng dấp của một tiểu thư liễu yếu đào tơ. Có rất nhiều con trai trong lần ngoài trường để ý đến cô, ngay cả hàng xóm thấy xinh xinh cũng tốn nhiều thời gian làm quen cưa cẩm. Nhưng cô chẳng có thời gian để tâm đến chuyện yêu đương làm quen.
Bạn bè thường thấy Phương đến lớp với một thứ không thể thiếu, đó là cái gương. Lúc nào rảnh ra là Phương soi gương liền, ngay cả trong lớp, mặc dù bị thu tới 3 hộp phấn nhưng cô vẫn không tài nào bỏ được thói quen ấy. Khi bạn hỏi soi cái gì lắm thế, bởi da thì trắng, mặt nhẵn nhụi và các nét đều cân đối, thì mặt Phương nhăn nhó ngay, giọng thảng thốt: “Mày không nhìn thấy lông mày của tao bên đậm bên nhạt à? Lông mi thì thưa, lại không đều!”.
Ai cũng bảo cô bị có vấn đề về mắt, vì hai bên lông mày của Phương chẳng có vấn đề gì hết, chỉ hơi mỏng nhưng không hề bất bình thường . Nhưng không hiểu sao cô lại vẫn nhìn ra cái “lỗi” ấy, tỏ ra rất đau khổ vì lông mi không đều, lông mày không đẹp. Giờ ra chơi, khi bạn bè tụ tập vui vẻ thì Phương dính lấy cái gương soi lấy soi để. Vào tiết, mặc kệ giáo viên giảng bài, Phương lén lút lôi cái gương con con ra soi. Tự dưng hôm đấy mà rơi một cái lông mi hay lông mày ra, thì Phương đau khổ đến mức không ăn nổi, ngủ cũng chẳng yên. Tội nghiệp lắm!
Tôi nghe em gái của Thuý kể lại rằng ngày đầu tiên thấy mụn, Thuý khóc ầm nhà, đập vỡ cả cái đèn ngủ chỉ vì sợ sắc đẹp của mình sẽ bị tàn phai. Khi cả bố mẹ lẫn em gái lên an ủi, Thuý mới dịu cơn điên lại nhưng kể từ đó, cô luôn cầm theo hộp phấn có gương để soi “sự phát triển” của mụn. Thuý bôi hàng chục loại kem lên mặt nhưng vì là mụn đỏ nên xẹp hơi lâu. Trong thời gian ấy, tổng cộng có 4 lần Thuý đập phá đồ đạc, nhịn ăn, khóc lóc, đi học thì che kín mít kể cả khi vào lớp. Đi tới đâu, Thuý cũng “ảo” ra cảnh người khác đang săm soi và chê bai cô, cuộc đời cô đen tối kinh khủng và sắp bị nhân loại… cho ra rìa vì xấu quá. Cô từ chối tiếp xúc với mọi người khiến anh người yêu chán quá, khuyên bảo mãi không được đã đòi chia tay. Tưởng người yêu bỏ mình vì… mụn, Thuý lại càng đau khổ hơn. Học hành chểnh mảng, không làm nổi việc gì nên hồn khiến chẳng ai nhận ra cô chỉ trong có 2 tuần.
Vào một sáng thứ 7, cô tống vào bụng cả vỉ thuốc cảm cúm, giảm sốt khiến cơ thể tụt huyết áp nhanh chóng với ý nghĩ “Xấu thế này, thà chết còn hơn!”. Đưa con vào viện tẩy ruột mà bố mẹ Thuý thảng thốt, không tài nào hiểu được đâu là vấn đề của con mình!
Đến những chấn động tâm lý khó chữa
Sự hoang tưởng về ngoại hình thường xảy ra ở những cô gái luôn bị ám ảnh quá mức, trầm trọng quá những vấn đề tí hon trên cơ thể mình. Khi chúng ta giải thích, họ lại càng nghĩ rằng mình có vấn đề thật. Họ luôn đi hỏi người khác về thắc mắc ấy, ví dụ “Mặt nhiều mụn không?”, “Xấu không?”, “Tay tôi to quá phải không”, “Da mình đen, xấu xí nhỉ!”, nhưng khi chúng ta thành thật trả lời “Không” thì họ lại cuống lên tìm gương để… soi tiếp, sợ rằng vừa được nghe một câu trả lời dối trá. Giống như câu chuyện của Bi (sn1990). Không hiểu sao mà Bi luôn cảm thấy da mình không được trắng, và đó là lý do khiến cô luôn trăn trở, khó chịu hàng ngày.
Lúc nào Bi cũng vật vã với câu hỏi: “Tại sao che nắng mãi rồi mà da vẫn đen!”, trong khi mùa hè trời nắng, da chỉ sạm đi 1 chút và ai-cũng-bị-như-vậy hết! Làm việc gì cô cũng khó chịu, tới mức cáu kỉnh, gây gổ với những ai vô tình khen da Bi mịn đẹp vì tưởng người ta… khen đểu (!?). Bi tìm cách thoát khỏi sự ám ảnh bằng cách dành hẳn 2 triệu để đi lột da. Người yếu nên sau khi lột, Bi bị ngất, phải vào viện cấp cứu vì tụt huyết áp và loạn nhịp tim.
Sau vụ lột da, gia đình đành đưa cô tới một bác sĩ tâm lý. Hiện tượng đó là triệu chứng rối loạn về tư duy. Trong trường hợp này, mọi lời khuyên hay nhận xét của người khác đều không thể giúp họ nhận ra sự thật. Nhờ được điều trị kịp thời mà Bi giờ đây đã có thể sống yên ổn, đã vứt bỏ được cái gương luôn theo sát bên mình để sống thật bình thường và vui vẻ.
Quan tâm tới ngoại hình là điều nên làm đối với các bạn gái, điều đó khiến chúng ta luôn xuất hiện một cách hoàn hảo. Thế nhưng không ít bạn lại biến cuộc sống quanh mình trở thành hoang tưởng khi luôn tưởng tượng ra những khiếm khuyết, hoặc nhấn mạnh vào khiếm khuyết đã có để rồi quên hết những điều tốt đẹp khác. Đừng kéo dài sự lo lắng quá mức ấy, kẻo đến lúc thành bệnh lý thì thật đáng sợ, phải không teen?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét