“Buổi sáng, mẹ mua cho cháu một cái bánh mì, chiều mẹ đi làm về mua một suất cơm hai mẹ con ăn. Cả ngày cháu bị nhốt trong nhà. Các bạn đuổi cháu, cô giáo không cho cháu đi học vì bảo cháu bị bệnh lây”.
Bé Hà hạnh phúc bên bà Bộ |
Bé Hà vừa nói vừa lấy tay che cái bụng hằn một vết mổ lớn. Cái bụng ấy trước đây không khác một cái rổ to ôm lấy cơ thể còi cọc suýt soát 10 cân của cô bé 9 tuổi.
Giữ nhà, giữ đất không... giữ con
Năm 2000, một bé gái cất tiếng khóc chào đời trong một ngôi nhà nhỏ tại xã Mê Linh - huyện Mê Linh - Hà Nội. Hai bên nội ngoại vui mừng đặt tên Nguyễn Thị Hà. Nhưng chỉ sau một vài tháng, bé đã có biểu hiện về sức khỏe khi da cứ xanh rớt, ốm đau liên miên. Bố mẹ đều không có việc làm nên kinh tế gặp khó khăn. Ngôi nhà nhỏ những ngày đầu đầy hạnh phúc, sau rạn nứt dần khi những cuộc cãi vã, đánh đấm nhau diễn ra liên miên.
Khi Hà được 8 tháng, hai vợ chồng cho đi khám thì tá hỏa vì bé mắc bệnh hiểm nghèo. Các bác sĩ cho biết bệnh này rất khó chữa, có chữa cũng chỉ được trước mắt còn bệnh sẽ theo suốt cả cuộc đời. Mà tiền chữa bệnh thì rất tốn kém. Để phục hồi lại sức khoẻ trước mắt cho bé số tiền bỏ ra ít nhất phải mất 200 triệu đồng. Số tiền đó là cả gia tài, bán cả đất cả nhà đi mới đủ. Cả gia đình bất lực.
Đáng buồn hơn khi biết tin cháu bị bệnh, họ không chung tay để chữa bệnh cho cháu mà còn hắt hủi cháu. Bố cháu ngay sau đó đã bỏ nhà ra đi (nghe nói chỉ hãn hữu lắm mới gọi điện về nhà nội).
Chưa đầy 3 tuổi, mẹ đưa Hà về Mê Linh - Hà Nội. Hôm nào cũng vậy, trước khi đi bán hoa mẹ mua cho Hà một hai chiếc bánh mì rồi nhốt bé ở nhà. Đến chiều muộn mẹ với về, hai mẹ con ăn chung một suất cơm hộp. Khi con có triệu chứng mệt mỏi, phát bệnh, mẹ Hà lại cho bé đi khám. Một lần nữa, bác sĩ lại bảo: Hà mắc bệnh hiểm nghèo khó chữa, bệnh viện trả về, mẹ Hà cũng bỏ đi luôn. Hà nghẹn ngào: “Mẹ cháu bảo: trả mày về cho bà nội”.
Ở làng không ai biết Hà bị bệnh gì. Chỉ thấy Hà gầy tong teo, da xanh rớt, dáng đi lúc nào cũng xiêu vẹo. Rồi đột nhiên, cái bụng của Hà cứ phát phì, giống như một chiếc rổ úp vào bụng. Nghe các bác sĩ bảo là bệnh không chữa được, cả làng ghép luôn cho Hà bị bệnh lây, phải tránh xa. Có ai đó thương tình cho Hà một đồng lẻ, họ cũng ném vào người Hà rồi lảng tránh.
Quá tuổi học mẫu giáo, bà mới cho Hà đi học lớp mầm non. Học được hai buổi, Hà mếu máo đòi ở nhà. Hỏi ra mới biết, đến lớp Hà bị các bạn đánh đuổi, không cho ngồi cùng. Các giáo viên cũng không dám lên tiếng khi phụ huynh nằng nặc không cho con học cùng với Hà. Một lần, một người cho Hà tiền, thèm quá Hà mua một con cá để ăn. Ăn xong toàn thân Hà phù nề hết lên. Bà nội lại đưa Hà đến viện khám nhưng bệnh viện trả về. Cái bụng của Hà cũng ngày càng to lên khiến từ đó cả làng coi Hà như con hủi, mọi người đều lảng tránh, đến cho tiền họ cũng ngại làm Hà lúc nào cũng đói, cơ thể ngày càng còi cọc, gầy yếu.
Bà chùa ơi, cháu có sống không?
Đang lang thang thì Hà gặp một phụ nữ tên Lã Thị Dung. Nhìn Hà, thương quá khiến bà Dung không cầm được nước mắt. Có một chị gái là Thích Đàm Hướng đang trụ trì chùa Tăng Phúc (Quan Hoa - Hà Nội), bà Dung quyết định đưa cháu đến ăn nhờ cửa Phật.
Chẳng họ hàng thân thích, cả chùa ai cũng lặng người đi rồi quyết định đưa cháu nhập Bệnh viện Nhi Trung ương vào ngày 6/2/2009 khi không khí Tết ấm cúng vẫn còn đong đầy nhiều mái nhà. Một khoảng thời gian ngắn, bệnh viện phát hiện cháu bị bệnh tan máu bẩm sinh. Bệnh này gây ra ứ đọng sắt ở một số cơ quan như gan, lá lách, sạm da, biến dạng xương, trẻ chậm lớn... Biểu hiện ban đầu là lá lách to quá cỡ, cần phải cắt ngay. Tuy nhiên lá lách lại là cơ quan miễn dịch của cơ thể nên việc cắt lá lách sẽ khiến cho bé có nguy cơ nhiễm trùng cao. Bên cạnh đó, sau khi cắt lá lách, hàng tháng bé đều phải đến bệnh viện để truyền máu với giá tiền trên 1 triệu đồng/lần truyền.
Vào viện một thời gian ngắn mà số tiền ước tính đã lên tới chục triệu. Nhưng nếu không mổ thì cháu sẽ khó kéo dài được sự sống. Cả chùa Tăng Phúc cứ nháo nhác cả lên, mọi người đều gác việc riêng của mình để lo cho cháu. Sư thầy Thích Đàm Hướng, phật tử Đỗ Hồng Xiêm đưa cháu vào viện, làm thủ tục nhập viện. Bà Lê Thị Bộ hôm trước được nhập phật tử thì hôm sau cũng bỏ hết cả ruộng nương để vào viện trông cháu - bà là người cận kề nâng đỡ cháu bởi nếu cháu ngã, lá lách vỡ ra thì không thể cứu nổi (thế mà trước đây cả làng để cháu đi lang thang vạ vật nguy hiểm, vô trách nhiệm biết chừng nào - PV). Đến chị hàng nước ở cổng chùa cũng bỏ hết công việc để nấu nướng, mang cơm vào cho cháu.
Sư thầy Thích Đàm Hướng kể lại: “Hôm đưa Hà lên chùa, đi qua cầu người cháu như lên cơn co giật, môi thâm tím, cơ thể gầy nhẳng của cháu run rẩy, đêm đến cháu rên rỉ rất tội nghiệp. Tất cả còn tưởng cháu không qua khỏi. Ấy vậy mà bây giờ đã thấy cháu cười (ít khi cháu cười lắm). Lại kể hôm quyết định đưa cháu đi bệnh viện cháu cứ ôm riết lấy sư thầy reo nho nhỏ: “A, bà chùa cho cháu đi khám rồi”. Sau hôm mổ cắt lá lách, cháu khẽ hỏi: Bà chùa ơi, cháu có sống không? Mọi người không kìm được nước mắt.
Cuộc sống khốn khổ từ bé khiến cho những câu nói của bé Hà lúc nào cũng ngập ngừng. Chúng tôi hỏi cháu, cháu không dám trả lời. Chỉ đến khi bà Bộ (người chăm sóc cháu suốt thời gian trong bệnh viện) và các bác sĩ động viên, cháu mới thẽ thọt: “Cháu không nhớ mặt bố mẹ cháu. Ở với mẹ và ông bà nội, cháu chỉ được ăn rau. Cháu muốn ở nhà chùa. Cháu muốn đi học”.
Sư thầy Thích Đàm Hướng kể: “Cháu không bao giờ nhắc đến bố mẹ, ông bà. Mà từ ngày cháu ra đây, chẳng họ hàng, ruột thịt nào đến thăm cháu. Khó khăn lắm mới tìm được số điện thoại của bố cháu, bảo bố cháu lên gặp sư thầy thì bố cháu bảo: “ Chúng con không có điều kiện để nuôi cháu. Thôi cháu gửi bà, sống bà nuôi, chết bà chôn”. Bố cháu cũng chẳng biết mặt sư thầy mà có vẻ cũng không muốn biết. Nghe mọi người nói mẹ cháu thì đi biệt tích, không liên hệ cả về với đằng ngoại. Còn bố cháu lập gia đình khác, sinh được một con trai”.
Nhìn hai cái chân gầy như que củi của Hà, bà Bộ bảo: "Hôm nay là còn đỡ rồi đấy. Mấy hôm đầu nhìn nó chẳng ra người. Trước hôm xuống bệnh viện cân được hơn 13 cân. Nhưng hôm rồi mổ cắt cái lá lách nặng đến... 3 cân. Mấy hôm ăn uống, thuốc thang nên da dẻ đỡ nhăn nheo rồi đấy".
Toàn bộ quần áo của bé Hà được Bệnh viện Nhi Trung ương tặng. Các bác sĩ cho biết: bệnh của Hà phải theo chữa cả đời và khá tốn kém. Hà lại thuộc dạng trẻ trên 6 tuổi không được miễn phí nên rất khó khăn. Tuy nhiên sư thầy Đàm Hướng và những phật tử cùng những người xung quanh chùa đều yêu thương, tìm kinh phí để chữa bệnh cho Hà. Đây là một hoàn cảnh rất đáng thương, cần rất nhiều sự chung tay giúp sức của toàn xã hội.
Theo Tuổi Trẻ Thủ Đô
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét