Thứ Tư, 18 tháng 2, 2009

Công Vinh: Thời thơ ấu đầy cay đắng

Tự truyện Công Vinh



Kì 1: "Một đứa trẻ nghèo khó đá bóng rất kém"



“Hồi đó, mỗi khi có chuyện gì không hay, người ta lại khinh thường nói rằng vì bố tôi đi tù nên con cái mới không ra gì. Chưa bao giờ trách bố, nhưng thời thơ ấu, nhiều lúc tôi không dám ngẩng mặt nhìn ai…”





Hai anh em có những nét giống nhau chưa???




Ghi bàn thắng Vàng trong trận chung kết AFF Cup, trở thành Người hùng của dân tộc, thảm đỏ của vinh quang và thành công dường như trải dưới chân Công Vinh.



Nhưng lúc nào, trên gương mặt và trong ánh mắt của chàng cầu thủ 24 tuổi này cũng “đau đáu” một nỗi u buồn nào đó. Công Vinh tự nói về mình “Nếu không có những tháng ngày ấu thơ khốn khó, hẳn không có một Công Vinh như bây giờ”. Và trong thâm tâm của một đứa con trụ cột gia đình, Vinh vẫn luôn mong một bữa cơm đầm ấm, một cái Tết sum họp, có đầy đủ thành viên trong gia đình, dẫu biết mơ ước đó thật xa vời…







Cho dù giờ đã trở thành một cầu thủ nổi tiếng và thành công, nhưng Công Vinh không bao giờ có thể quên những ngày tháng ấu thơ của mình...




Thời thơ ấu đầy cay đắng:

Vì miếng cơm manh áo, mà từ nhỏ chúng tôi đã thường xuyên phải xa mẹ.




Mẹ đi buôn đá đỏ, thi thoảng mới về, 4 chị em ở nhà với bố, khi các chị đi học, tôi ở nhà bồng em Chi, đưa em Chi đi chơi xung quanh làng rồi nấu cơm giặt giũ, nấu cám lợn, làm mọi việc nhà. Nhà tôi hồi đó nghèo lắm, chẳng có cái gì. Nghèo còn mắc cái eo. Một lần bố đi trên đường bị xe khách tông, phải vào viện điều trị rất lâu. Tiền thuốc men, viện phi khiến gia đình tôi gần như khánh kiệt.







Công Vinh và em gái Khánh Chi - người mà từ nhỏ, Vinh đã luôn bế bồng, chăm sóc.



Nhưng tai họa đâu đã hết. Khi bình phục, vì muốn gia đình tôi bớt khổ nên bố theo người ta đi buôn bán ma túy. Rồi bố bị bắt, cả nhà sững sờ, chao đảo. Năm đó tôi mới có 11 tuổi. Vắng bố, mẹ không đi buôn nữa, ở nhà trông chị em tôi. Nhưng một thời gian sau đó, mẹ chia tay bố. Khi đó bố vẫn ở trong tù.


Vẫn biết là vì hoàn cảnh gia đình quẫn quá nên bố mới làm liều, bản thân tôi chưa từng bao giờ trách bố cả, tôi rất yêu bố. Nhưng trong trí óc non nớt của một đứa trẻ, tôi vẫn tủi thân và cay đắng cho hoàn cảnh gia đình của mình, mặc cảm, nhiều lúc chẳng dám ngẩng mặt lên nhìn ai.









Và tôi vẫn ý thức được rất rõ, những người xung quanh nhìn gia đình tôi như thế nào, có những người khinh thường chúng tôi ra mặt. Có bất cứ việc gì không hay xảy ra, người ta cũng nói rằng vì bố mày đi tù nên mày mới không ra gì như thế. Sau này, khi được nhiều người biết đến hơn, trong những lần đầu tiếp xúc với báo chí, tôi cũng tránh, không bao giờ nói đến chuyện của bố mình.




Nhưng trong 24 năm cuộc sống của tôi, từ nhỏ tới lớn, chưa bao giờ tôi thực sự được sống trong cảnh đầm ấm, đầy đủ cả gia đình. Hồi nhỏ mẹ đi làm thì sống với bố, lớn lên bố vào vòng lao lý thì sống với mẹ. Rồi bố mẹ lại li dị, đến khi bố ra tù rồi, chúng tôi cũng vẫn mãi mãi không bao giờ có thể đoàn tụ.

Tôi nhớ, năm 18 tuổi, ở trong đội U18 Sông Lam Nghệ An vô địch Quốc gia thì tôi bắt đầu có những khoản thu nhập đầu tiên. Tôi chơi thân với anh Hồng Tiến trong cùng đội – thân còn hơn cả anh em ruột thịt.







Vài tháng một lần hai anh em lại rủ nhau lên trại thăm bố. Chúng tôi phải thuê xe máy từ Vinh lên Thanh Chương (quãng đường khoảng 80 cây) vì làm gì có xe đâu. Sáng đi chiều về. Mà cứ phải khi nào có tiền thì mới lên thăm bố được, biếu bố ít tiền, kể cho bố nghe vài chuyện rồi lại đi về. Bố nghe tôi kể, biết tôi đá bóng tốt, được vô địch, được quay lên truyền hình thì mừng lắm, nghĩ con cái đã có được chút ít thành công.



Năm tôi 19 tuổi, bố cải tạo tốt, được ra tù trước thời hạn 4 năm, tôi mua xe, tìm việc cho bố, lo cho bố một cuộc sống ổn định. Tôi tìm cách để bố mẹ tái hợp, nhưng cũng không thể nào làm được. Là con cái, dù đau đớn, nhưng tôi không thể quyết định thay bố mẹ được. Những bữa cơm nhà sum họp, những cái Tết đoàn tụ, đầy đủ các thành viên trong gia đình chỉ là mơ ước xa vời. Bây giờ, nhiều lúc nghĩ lại, tôi nhận ra nỗi buồn đó vẫn cứ đeo đẳng mình mãi.







Những phút sum họp hiếm hoi của gia đình, nhưng dường như luôn thiếu vắng bóng cha.




Đã từng là người kém nhất trong lớp bóng đá



Lúc lớp 4, lớp 5, xem các anh Huỳnh Đức, Hồng Sơn đá Tiger cup, Seagames thì ngưỡng mộ và thèm lắm. Tôi bắt đầu làm quen với bóng đá, chơi bóng nhựa với một cậu bạn ở cái sân xi măng nhỏ trước nhà. Cậu ấy bị câm điếc, thua tôi một tuổi nhưng hai đứa đã đá bóng thân thiết suốt thời ấu thơ của tôi. Đá quen quen rồi thì được ra sân vận động lớn hơn đã với mọi người.



Tới năm 14 tuổi thì tôi bắt đầu tập luyện bóng đá một cách thực sự. Sông Lam Nghệ An định kì mỗi năm có một đợt tuyển cầu thủ trẻ, chọn từ xã lên, rồi huyện sẽ chọn lọc những người xuất sắc nhất để thi vòng cuối với các bạn khác trong tỉnh.



Năm đó, tôi thi và trúng tuyển cùng với 5 người khác của huyện, rồi từ gần 60 người của cả tỉnh, chọn ra hơn 20 bạn tầm tuổi như tôi vào lớp đào tạo cầu thủ trẻ của Sông Lam Nghệ An. Tôi phải lên Vinh (cách nhà 75 km) để theo lớp đó. Một buổi học văn hóa, một buổi tập bóng, ăn ở tập trung ở đây. Tôi rất ít khi được về nhà. Vì bố mẹ cũng lo tôi còn nhỏ không tiện đi lại, rồi nhớ nhà, chưa quen cuộc sống tự lập, về nhà nhiều thì sẽ khó học. Chính cuộc sống đó đã khiến cho tôi trưởng thành từ rất sớm.




"Chính cuộc sống đó đã khiến cho tôi trưởng thành từ rất sớm."



Hồi mới vào, chập chững tập luyện những động tác cơ bản, tôi đã nghe tên tuổi của anh Văn Quyến, Lâm Tấn. Nhưng tôi nghĩ rằng, những người đó quá xa vời vì dù chỉ hơn tôi 1, 2 tuổi nhưng họ đã nổi danh trong cả nước, từ giải U16 châu Á. Bao nhiêu vinh quang, thành công ở xung quanh họ. Tôi tự ti, chỉ đứng xa nhìn họ thôi, không dám cả đến gần để được nói chuyện với họ nữa.



Trong lớp học bóng đá thì tôi là người học kém nhất. Tôi nhỏ con, yếu, lại chưa từng được học những động tác cơ bản, trong khi các bạn khác thì đã tập vững hết rồi. Thêm sự tự ti, tâm lí sợ thầy giáo, nên tôi càng khó tiếp thu những bài tập. Tôi cứ đuối dấn.



Hơn 3 năm như thế, thì tôi xin thầy để cho tôi về nhà. Sức học văn hóa của tôi tương đối khá, và lúc đó, tôi cũng chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành vận động viên chuyên nghiệp, tập lẹt đẹt như tôi thì làm cầu thủ làm sao được. Tôi muốn trở thành một sĩ quan quân đội.



Nhưng thầy Hà Thìn – thầy của tôi không đồng ý. Thầy bảo người ta xin vào không được mà tôi lại xin ra. Cứ ở lại học thêm năm nữa xem sao. Trong 10 năm đá bóng của mình, quyết định đó thực sự là bước ngoặt đầu tiên với tôi. Tôi bắt đầu gồng mình lên tự học, tự tập luyện, và thời gian đó, điều tôi học được là đã biết tự tin vào mình để đi lên, không được chùn bước, không được dừng lại…



Kì 2: "Ngày sinh nhật buồn nhất trong đời tôi"

Chúng tôi gặp Công Vinh tại sảnh Khách sạn La Thành trong thời gian Vinh tập trung đội tuyển chuẩn bị cho các trận đấu vòng loại Châu Á. Nói chuyện một lúc thì mọi người xung quanh đó đều nhận ra Vinh. Ngay lập tức, mọi người tới gần, nghe Vinh kể chuyện, đề nghị đuợc chụp ảnh cùng. Vinh cuời nhỏ nhẹ và nhận lời.


Bây giờ thì Vinh đúng là một “người hùng”, được rất nhiều người dân Việt Nam quan tâm và nhớ đến. Nhưng chắc hẳn, những người đã theo dõi sự nghiệp thi đấu của Vinh, hay theo dõi giải AFF vừa rồi, không ai có thể quên được giây phút Vinh òa khóc ngay trên sân khi vẫn không thể ghi nổi bàn thắng sau nhiều trận.


Và Vinh tiếp tục chia sẻ về những cảm giác trong cuộc đời cầu thủ của mình.




Công Vinh trong vòng vây của người hâm mộ tại sảnh khách sạn La Thành.




Làm tiền đạo, sợ nhất bị người ta nói “tịt ngòi”



Quyết định ở lại để học bóng đá, tôi biết mình phải cố gắng hơn rất nhiều để không thua kém bạn bè.


Một năm sau đó, tôi tiến bộ rõ rệt. 18 tuổi, tôi được gọi vào đội tuyển U20 quốc gia và giữ băng đội trưởng. Sau đó tôi được lên đội I của Sông Lam Nghệ An và đá JVC cup ở Mỹ Đình. Đá tốt và được danh hiệu vua phá lưới, may mắn đã mỉm cười với tôi. Hồi đó, chỉ còn mười mấy ngày nữa là tới Seagames 22 tại Việt Nam, nhưng sau khi xem tôi đã tại giả đó, ông AFred Riedl đã gọi ngay tôi vào đội tuyển quốc gia.


Cảm giác được có mặt trong đội tuyển quốc gia, được sánh vai cũng với những cầu thủ lớn, đứng vào vị trí mà trước đây những cầu thủ lẫy lừng như Hồng Sơn, Huỳnh Đức từng đứng, thực sự là một cảm giác rất đặc biệt. Tôi không được đá chính mà chỉ là cầu thủ dự bị, nhưng 18 tuổi, với tôi, như thế là một sự ghi nhận nào đó cố gắng của tôi trong suốt thời gian trước. Nó khiến tôi thấy rằng tôi không sai lầm khi ở lại và tiếp tục sự nghiệp cầu thủ.


Nhưng đời bóng đá bạc lắm. Bản thân tôi trong 10 năm làm cầu thủ cũng đã gặp đủ những thăng trầm rồi. Khi tôi thi đấu thành công, mọi người tung hô và nhớ đến tôi. Nhưng nếu một vài trận ở những giải quan trọng mà không ghi được bàn là ngay lập tức tôi bị chỉ trích. Họ gọi tôi bằng cái từ “tịt ngòi”. Làm tiền đạo mà bị nói là “tịt ngòi” thì làm gì còn cái gì đau hơn, đáng sợ hơn. Làm tiền đạo mà không ghi nổi bàn thắng thì coi như vô dụng.


Năm 2005 là thời điểm đầu tiên mà tôi bị gọi là “tịt ngòi”, khi trước Seagames 23, rất nhiều trận đấu tôi đã không thể ghi được bàn. Tôi đã từng khổ sở, thậm chí phải khóc khi trong giải LG Cup và Agribank Cup tôi không thể ghi bàn. Phải đến khi ghi 4 bàn trong trận gặp đội tuyển Lào ở Seagames 22, tôi mới giải tỏa được tâm lí.


Năm 2008, một lần nữa chuyện tồi tệ lại xảy đến với tôi, trong một giải đấu mà toàn dân tộc đều khát khao chiến thắng. Khi đá vòng bảng, thi đấu không tốt, không ghi được bàn, tôi bị chỉ trích nhiều lắm, thậm chí nhiều người miệt thị. Đá xong một trận, tôi lại về đóng cửa phòng, không nói chuyện với ai, tôi như là bị trầm cảm, suy nghĩ rất nhiều và buồn. Thậm chí tôi đã nghĩ đến chuyện buông xuôi vì được sự tin yêu của người hâm mộ, HLV tin tưởng mà tôi không làm đuợc gì. 5 năm tôi thi đấu tốt thì không sao, nhưng chỉ cần 3 trận không ghi được bàn thẳng, tôi như trở thành kẻ tội đồ. Về Việt Nam tôi không dám ra đường, không dám gọi điện cho gia đình.


Không có bố mẹ, không có thầy "Tô", chắc tôi không gượng lên được



Một điều tồi tệ nữa mà tôi phải hứng chịu trong thời gian đó là sức ép từ dư luận, từ báo chí. Trước đó, chuyện tình cảm của tôi không suôn sẻ. Và ngay lập tức, nhiều người nói rằng vì chuyện đó mà tôi sa sút phong độ, đá tồi. Nhưng sự thật thì đâu phải thế. Chuyện tình cảm chỉ là một phần rất nhỏ. Tôi vẫn luôn có tham vọng trở thành một cầu thủ lớn, có một bước ngoặt nữa trong sự nghiệp, vì thế, tôi cũng đã tự tạo áp lực nặng nề cho chính mình.


Trong trận gặp Lào hôm 10/12 - đúng ngày sinh nhật lần thứ 24 của tôi, tôi đã nghĩ rằng trận đó sẽ là trận để giải tỏa tâm lí, ghi được bàn thắng và tôi đã cố gắng hết sức. Nhưng tôi không làm được điều đó. Hết hiệp 1 tôi bị thay ra. Tôi ngã sụp, tai như ù đi, tôi òa khóc, nghĩ rằng mình mất tất cả rồi, nghĩ rằng mọi thứ với tôi thế là chấm dứt rồi, sự nghiệp vứt rồi không còn cái gì nữa. Một sinh nhật buồn nhất và cô đơn nhất trong cuộc đời.




Nhưng cũng đúng thời điểm đó, có một câu nói của thầy Calisto ở cuối trận mà tôi không bao giờ có thể quên. Cuối trận gặp Lào, ông nói với tôi rằng: "Cứ bình tĩnh, ông không cần tôi ở trận đấu này, ông cần tôi ở trận đấu khác." Sự tin tưởng không thay đổi vào đúng lúc tuyệt vọng nhất khiến tôi nghĩ rằng mình chưa hoàn toàn vô dụng.


Rồi bố và mẹ lần lượt gọi điện, động viên tôi thực sự làm tôi ấm lòng hơn. Tôi không phải là một kẻ cô độc, tôi còn có rất nhiều người thân bên canh, rất nhiều thứ ngoài bóng đá. Vì thế, tôi không thể coi những chuyện đã xảy ra là dấu chấm hết, phải có niềm tin.

Và tôi làm được. Trận chung kết với Thái Lan là một trận đấu trong mơ của tôi, ở đó có khoảnh khắc lịch sử mà cả đời tôi sẽ không thể nào quên được.



Giây phút Vinh trở thành người hùng của trận đấu.



Tôi không hề nghĩ mình là người nổi tiếng



Bản thân tôi chưa bao giờ nghĩ tôi là một người nổi tiếng. Trên sân đấu, mọi nguời gọi tên tôi, ủng hộ tôi, đó là điều mà cầu thủ nào cũng khao khát. Bây giờ đi ra đường ai cũng biết, đó là một niềm hạnh phúc.


Công Vinh và người hâm mộ (Ảnh FC Công Vinh)


Nhưng ra khỏi trận đấu, tôi trở về là một Công Vinh sống nội tâm, chỉ có mối quan tâm lớn nhất tới gia đình và có những sở thích bình thường như bao người khác. Tôi thích đi ăn uống ở những quán ăn vỉa hè, nghe nhạc trẻ, nhạc hip hop, đọc truyện tranh - Phong Vân, Tứ đại danh bộ..., đọc báo và học thêm tiếng Anh.


Tôi đang học cả Piano. Điều này nghe có vẻ kì lạ đối với một cầu thủ bóng đá nhưng tôi đá bắt đầu học rồi. Tôi thích đắm mình trong âm nhạc, thưởng thức một giai điệu nhẹ nhàng để lấy lại cân bằng trong cuộc sống.


Và cho đến bây giờ, điều khiến tôi tự hào nhất và vui nhất trong cuộc đời mình là tôi đã có thể lo được cuộc sống tốt hơn cho gia đình của mình. Bố mẹ tôi bây giờ đều đã già yếu rồi nên tôi phải là trụ cột gánh vác. Vì thế, khi đón bố ra tù, rồi dần dần lo được công việc cho bố, mua được xe, năm vừa rồi thì mua được nhà để bố không phải sống nhà thuê lúc tuổi già, tôi như thấy nhẹ lòng. Bố mẹ đã bớt khổ, bớt cơ cực rồi.


Hai chị dù lập gia đình nhưng cuộc sống khó khăn và tôi cũng cố gắng giúp đỡ hai chị. Còn em Chi thì tôi sẽ lo cho em học hết đại học, giúp em xin việc sau khi ra trường là tôi cũng đã yên tâm về em rồi.


Trước đây, việc chèo chống gia đình với tôi là việc quá khó khăn, tưởng chừng không thể làm nổi. Nhưng bây giờ thì tôi đã làm được.


Chuyện tình cảm của tôi rùm xùm trong suốt thời gian qua có lẽ là bởi vì người ta đang chú ý tới tôi nhiều quá. Nhưng thực sự, từ giờ về sau, tôi không còn muốn chia sẻ về chuyện này nữa. Đó là chuyện của riêng tôi và sẽ giữ cho mình.


Bây giờ, tôi đang chẳng có ai. Và những điều tôi quan tâm nhất sẽ chỉ là sự nghiệp và gia đình của tôi... Trước mắt là vòng loại châu Á. Sau 28 tết đá ở Trung Quốc tôi sẽ được về nhà ăn Tết. Năm nay, tôi chỉ được ở nhà ăn Tết 3 ngày, mùng 2 đã phải ra Hà Nội tập trung với đội T&T. Làm cầu thủ, nhiều lúc tôi phải hi sinh thời gian dành cho gia đình, người thân. Nhưng tôi chấp nhận. Tôi phải cống hiến hết sức mình đã. Sau này, tôi sẽ còn nhiều thời gian để tận hưởng...
































Khánh Chi - em gái dễ thương cụa Công Vinh



Xuân Lê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét